Thứ ba, ngày 15 tháng 07 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 08/07/2025

buôn ma thuột

Lịch sử hình thành và phát triển của Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.

Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Khi đó, thủ phủ của vùng đất cao nguyên Đắk Lắk được đặt tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn bây giờ). Năm 1890, Bourgeois - một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khumjunop, một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới ở đây. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, 14 năm sau, tức ngày 22 tháng 11 năm 1904, theo đề nghị của Hội đồng tối cao Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đại lý hành chính Buôn Ma Thuột, thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung Kỳ và Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh Đarlac (tên gọi tỉnh Đắk Lắk bây giờ) thay cho Bản Đôn.

Các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên, nhưng do nhu cầu thiết lập cơ sở chính trị, hành chính xã hội đòi hỏi sự có mặt của các công chức, vì thế bên cạnh người Pháp, người Êđê, người Kinh đã dần có mặt ngày càng đông, nhất là sau khi có Nghị định ngày 02-07-1923 của toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Đắk Lắk.

Sau đó, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để thực hiện chính sách thống trị lâu dài. Trong nội thị đã xây cất các công sở của Pháp, bệnh viện, nhà tù, trường học, cửa hàng, khách sạn, chợ, nhà máy, rạp hát, sân vận động, bể bơi, nhà kho, nhà để xe. Khu dân cư của người Việt và người Âu xen kẽ với với một số buôn làng của người Ê Đê. Đường sá đã có ngã tư, ngã sáu. Các đường nội tỉnh và ngoại tỉnh được hình thành, sân bay Moneur được xây dựng. Ngày 05 tháng

6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột tọa lạc trên các làng Buôn Ma Thuột và Buôn Sô. Vì chính sách hạn chế của thực dân Pháp, chỉ có ít người Kinh sinh sống tại Buôn Ma Thuột, trong làng Lạc Giao. Người dân hàng năm phải đi “xâu người” và “xâu voi”, đàn ông 18 - 60 tuổi phải xâu 20 ngày, mỗi voi cũng chịu 20 ngày xâu trong một năm.

Ngày 28/8/1945, tổng khởi nghĩa diễn ra ở Đắk Lắk, Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh đã ra mắt và tuyên bố xoá bỏ chế độ thống trị của Nhật, Pháp; hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập. Liên hoan đoàn kết các dân tộc Dak Lak được tổ chức tại Biệt điện Bảo Đại bàn về vấn đề đoàn kết các dân tộc anh em trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến đánh bất ngờ vào Thành phố Buôn Ma Thuột, giải phóng Thành phố và cũng là thời khắc mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thị xã Buôn Ma Thuột được Nhà nước quyết định nâng lên Thành phố Buôn Ma Thuột (theo Nghị định 08-NĐ/CP ngày 21/01/1995).

Đến năm 2005, Thành phố Buôn Ma Thuột lại tự hào được nâng cấp thành đô thị loại II (Quyết định 38/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005) và ngày 07/9/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1181/QĐ-TTg, hiện nay là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Có thể khẳng định rằng: Buôn Ma Thuột là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng;

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk;

Là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế;

Như vậy, qua hơn 110 năm hình thành và phát triển, mặc dù có nhiều lần thay đổi về cấp hành chính nhưng Buôn Ma Thuột vẫn luôn là thủ phủ, lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của Thành phố. Buôn Ma Thuột xưa cũng như nay vẫn luôn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội không những của tỉnh Đắk Lắk mà còn cả khu vực Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột từ thị xã nhỏ bé 1975 đã phát triển lên thành phố năm 1995 ( đô thị loại 3) và sau 10 năm xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 2 (2005), và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk vào năm 2010.

Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên là 37.718ha chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk. Ranh giới hành chính được xác định như sau: Phía Bắc giáp huyện Cư M’Gar; phía Nam giáp huyện Krông Ana, Cư Kuin; phía Đông giáp huyện Krông Pắk; phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).

Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong vùng cao nguyên phía Tây của dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình 500 m so với mặt nước biển, địa hình dốc thoải 50 - 100 từ Đông sang Tây, chênh lệch về độ cao nhiều như vậy khiến cho hệ sinh thái động thực vật biến đổi phong phú.

Quỹ đất tại thành phố Buôn Ma Thuột phần lớn đã được khai thác và đưa vào sản xuất trong nhiều năm nay với những thế mạnh chính về cây công nghiệp, đặc biệt cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là ngon nhất Việt Nam.

DSC_5100

Thành phố Buôn Ma Thuột chịu chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng mạnh của tiểu vùng khí hậu cao nguyên phía Tây dãy Trường Sơn, nên khí hậu thành phố cũng có những nét đặc thù riêng, chủ yếu một năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa: Do ảnh hưởng mạnh của khí hậu Tây Trường Sơn nên tại Thành phố Buôn Ma Thuột có lượng mưa rất lớn, kéo dài 6 tháng, xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10, trùng với mùa có gió Tây, Tây Nam hoạt động. Lượng mưa chiếm khoảng 87% lượng mưa cả năm. Tháng 8 và tháng 9 là các tháng có lượng mưa lớn nhất và đạt khoảng 300mm/tháng.

Mùa khô: Kéo dài 6 tháng, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, trùng với mùa có hướng gió Đông, Đông Bắc. Mưa ít, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 13% lượng mưa cả năm. Mưa mùa khô chỉ xuất hiện vào thời gian đầu và cuối mùa khô, có nhiều năm không có mưa, cường độ mưa mùa khô thường <10mm/tháng và chỉ xảy ra mưa một vài ngày trong tháng.

Với những đặc điểm của khí hậu như trên, thuận lợi để du lịch thành phố Buôn Ma Thuột khai thác thị trường du khách quốc tế (inbound). Đây được xem là giai đoạn cao điểm vì rơi vào giai đoạn thu đông, đặc biệt là khoảng tháng 10 trở đi đến khoảng tháng 11 vùng đất cao nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê, tổ chức các dịch vụ du lịch liên quan đến cà phê.

Thành phố Buôn Ma Thuột được xem như là một Việt Nam thu nhỏ, trên địa bàn thành phố có 40 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, trong đó dân tộc kinh chiếm khoảng 85% và 15% còn lại là người dân tộc khác. Trong nhóm dân tộc bản địa, người Ê Đê chiếm số lượng lớn nhất, sau tới dân tộc Tày, Thái, Hoa, Gia Rai,…

Các dân tộc bản địa ở thành phố Buôn Ma Thuột thờ thần linh, những vị thần được cho là bảo vệ họ. Một bộ phận khác theo đạo Thiên Chúa, Tin lành, Phật giáo,… Sự có mặt của đông đảo người Kinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột góp phần tạo nên một bộ mặt văn hóa mới trong những nét văn hóa truyền thống, tuy nhiên do bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nền văn hóa hiện đại đã làm cho nét đặc trưng văn hóa nhà dài tại các buôn làng mai một dần.

Do sự gia tăng về dân số đã kéo theo sự tăng nguồn lao động trong các ngành kinh tế... vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động đang là một vấn đề lớn và cần chú trọng của thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng lao động của Thành phố tham gia các ngành kinh tế chiếm khoảng 50% dân số toàn thành phố Buôn Ma Thuột, đây là chỉ số rất tích cực.

DSC_0784

Thiên nhiên ưu đãi cho thành phố Buôn Ma Thuột cùng với bàn tay con người qua thời gian đã hình thành mạng lưới hồ thiên nhiên, nhân tạo gắn với những khu rừng, đồn điền cà phê, cao su, các buôn dân tộc tạo nên các không gian thoáng đãng, trong lành, là nơi khai thác du lịch rất hấp dẫn và sinh động như hồ Ea Kao (di tích danh thắng cấp tỉnh), hồ Ea Chư Cáp, hồ Ea Nao, hồ Đạt Lý,…

Sản vật nông nghiệp rất phong phú, đa dạng như cà phê, tiêu, ca cao, bơ, ngô, các loại đậu tương,… nổi bật nhất là cà phê, từ lâu đã nổi tiếng toàn thế giới, thành phố Buôn Ma Thuột được coi là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam và là điểm đến của cà phê thế giới. Cà phê Buôn Ma Thuột với hương vị và chất lượng độc đáo đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, nổi tiếng thế giới. Từ cà phê có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch như tham quan các trang trại cà phê; Tham quan quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê;... Từ càphê cũng có thể chế tác các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch như tranh bằng hạt cà phê, các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê,...

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là cơ hội để Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng xúc tiến quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của mình phục vụ phát triển du lịch. Đây là lễ hội thường niên vô cùng quan trọng trong việc phát triển thương hiệu Tây Nguyên nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, là tiền đề tốt thúc đẩy phát triển du lịch.

Di tích lịch sử văn hoá là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Thành phố Buôn Ma Thuột có 05 di tích lịch sử, văn hoá được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 04 di tích cấp quốc gia, gồm Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao, Biệt Điện Bảo Đại số 04 Nguyễn Du, Bia tưởng niệm 100 chiến sỹ Nam tiến và 01 di tích cấp tỉnh là di tích Tượng đài Mậu thân 1968,… Đây là những chứng tích hào hùng của truyền thống lịch sử lập nước, giữ nước của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Các di tích văn hoá lịch sử của thành phố Buôn Ma Thuột đều có giá trị phục vụ du lịch cao. Những di tích lịch sử văn hoá nêu trên, tuy chưa phải là tất cả, song cũng đủ để chứng minh rằng, giá trị nhân văn được thể hiện đậm nét qua các di tích lịch sử, văn hoá và có thể khai thác một cách có hiệu quả trong việc phục vụ du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột

Các Lễ hội truyền thống mang nét văn hoá đặc trưng riêng biệt đang có xu hướng phục hồi và phát triển trở lại. Hầu như ở khắp các địa phương trên cả nước đều khuyến khích, đầu tư tổ chức các lễ hội văn hoá truyền thống. Nhiều lễ hội có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hoá, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và khôi phục phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cổ truyền. Lễ hội trở thành một phần quan trọng của du lịch, có sự thu hút kỳ diệu đối với du khách trong và ngoài nước. Nhiều lễ hội lớn trở thành ngày hội của du lịch đối với vùng, miền địa phương đó. Thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều di tích lịch sử gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Hàng năm, thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức long trọng và trang nghiêm các lễ hội đặc trưng của địa phương đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, đồng thời còn để phục vụ mục đích phát triển du lịch như Lễ giỗ tổ Hùng Vương; Lễ tưởng niệm 100 chiến sỹ Nam tiến; Lễ tế Đình Lạc Giao; Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cưới của đồng bào dân tộc Ê đê; Tết của người Thái ở xã Hòa Phú …

Ngoài ra, khai thác các sản phẩm nghề thủ công truyền thống và khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống có vai trò lớn trong việc phát triển du lịch. Đây là một hướng đi đúng được triển khai tích cực ở thành phố Buôn Ma Thuột vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thu hút du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Các nghề được tập trung đầu tư như nghề dệt thổ cẩm, nghề điêu khắc, nghề mộc,…

Ngoài những nguồn tài nguyên chính kể trên, thành phố Buôn Ma Thuột còn có Bảo tàng tỉnh với trên 10.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá như: Đồ gốm, đồ đá, đồ đồng của người tiền sử và các hiện vật lịch sử cách mạng, hiện vật văn hóa dân tộc là nơi thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa về tỉnh Đắk Lắk; bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên nhân văn khác phục vụ du lịch như văn hoá phi vật thể với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc khá độc đáo, như: hát Kuưt, Ay ray, Kông tuôr (trao vòng), múa mời rượu, múa khiêng,... hướng về ca ngợi cuộc sống, ca ngợi tình yêu lứa đôi, giáo dục cuộc sống gia đình - xã hội. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại" ngày 25/11/2005.

Thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm Văn hóa, Kinh tế, Chính trị của tỉnh Đắk Lắk, mà còn là thành phố trung tâm cấp Vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng của vùng và cả nước. Tên gọi Buôn Ma Thuột được bắt nguồn từ tiếng Ê-đê: Buôn Ama Y Thuot (Buôn: làng, Ama: cha), gọi tắt là Buôn Ma Thuột, có nghĩa là làng của cha Thuột, tên vị tù trưởng có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Ea Tam. Buôn Ma Thuột là đầu mối huyết mạch giao thông tỏa ra các hướng, nối với thành phố Đà Lạt qua huyện Lăk bằng quốc lộ 27, nối liền với Khánh Hòa qua Ninh Hòa bằng quốc lộ 26, nối với TP.HCM bằng quốc lộ 14 qua Đăk Nông, Bình Phước, nối liền với Yok Đôn Buôn Đôn bằng tỉnh lộ số 1 và nối với Pleiku, Kontum bằng quốc lộ 14.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Buôn Ma Thuột nổi tiếng có nhiều loại trái cây, khoai sắn, rau củ, đặc biệt là cà phê Buôn Mê đã từ lâu chiếm lĩnh trên thị trường và cho đến nay chưa có nơi đâu sánh bằng. Buôn Ma Thuột luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng cà phê. Với lợi thế là vùng đất ba gian màu mỡ trù phú bậc nhất Tây Nguyên, Ban Mê luôn cho những hạt cà phê có hương vị đậm đà và thơm ngon.

Từ những đặc trưng riêng biệt về điều kiện tự nhiên và con người nơi đây đã tạo cho Buôn Ma Thuột một nét văn hóa đặc sắc. Từ ngàn xưa, vùng đất Tây Nguyên đã là cái nôi của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số, như: Jrai, Bahnar, Ê-đê, Giẻ, Raglai, Sê-đăng, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu, Mnông... Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản trường ca hào hùng, đến những lễ hội còn ít nhiều nét lạ thường, đến những ngôi nhà sàn, những bức tượng, những lán nhà mồ, nhưng đặc biệt là nghĩ đến nhạc cồng chiêng với một không gian văn hóa vừa được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại.

Lịch sử văn hoá Buôn Ma Thuột

DSC_0946

Nói đến văn hóa truyền thống ở Đaklak, trước hết phải nói đến nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa, từ bao đời nay đã tạo dựng nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ. Nói đến các di sản văn hóa dân tộc, không quên các di sản văn hoá vật thể nổi tiếng như đàn đá, nhạc cụ, cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt cẩm thổ. tạc tượng...cùng các di sản văn hoá phi vật thể như luật tục, các lễ hội, các tập tục và các sinh họat văn hóa, sinh họat cộng đồng. Đồ sộ và phong phú hơn cả là kho tàng văn học dân gian với những bản sử thi (Dân tộc Eđê gọi là Khan, dân tộc Mnông gọi là átNrông), thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, lời nói vần...đậm đà bản sắc dân tộc lưu truyền qua bao thế hệ. Ngòai ra dân tộc Ê đê còn có cả chữ viết mà sau này được phiên âm sử dụng phổ biến từ thời Pháp, Mỹ cho đến nay. Điểm nổi bậc của Văn hoá bản địa Daklak là: Văn hoá lễ hội nhà dài, văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng ...độc đáo, phong phú giàu bản sắc dân tộc. Trước đây cũng như hiện nay, quan hệ xã hội cơ bản của đồng bào các dân tộc vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt. Nói chung, đồng bào các dân tộc Ê đê cũng như M’nông, Gia Rai đều có một đặc điểm lớn, đó là sự tồn tại bền vững của những mối quan hệ xã hội cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua các thời kỳ lịch sử lâu dài. Tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái... Bên cạnh đó, tinh thần thượng võ, nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, cần cù sáng tạo cũng là những đặc trưng nổi bật của đồng bào các dân tộc. Nổi bật hơn cả là ý chí đấu tranh bất khuất chống chọi với thiên nhiên và truyền thống đấu tranh bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống đó đã được phát huy cao độ trong những năm nhân dân Daklak đứng lên theo Đảng làm cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Điểm tô thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, DakLak còn có sự du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái của ba miền Trung - Nam - Bắc. Tất cả đều được gìn giữ và phát triển, hòa quyện trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, nói đến văn hóa ở Daklak cũng không thể không nói đến các danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn của lịch sử. Trên địa bàn Daklak đã tìm thấy một số di chỉ khảo cổ học mang dấu tích của người tiền sử. Đó là các di chỉ ở Drai Si (huyện Cư Mgar), xã Ea Tiêu, Quảng Điền (huyện Krông Ana), hồ Lak (huyện Lak), xã Ea Păn, xã Xuân Phú (huyện Ea Kar). Qua các di chỉ trên, đã tìm thấy những công cụ, khí cụ đồ trang sức bằng đá; đồ gốm và bàn dập, bàn mài hoa văn trên gốm. Nguyên liệu chế tác đều lấy từ đá bazan và đá biến chất, vốn là đặc trưng của Tây Nguyên. Kiểu dáng và kỹ thuật chế tác có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Biển Hồ (Gia Lai) và văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Thời đại đồ đồng cũng đã phát hiện được 7 chiếc trống đồng ở huyện Ea Súp, Ea HLeo, Krông Pac Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột. Đặc biệt trên mảnh đất này còn có những dấu tích của người Chăm để lại, đó là tháp Yang Prong (Thần vĩ đại) ở xã Chư Mlanh (huyện Ea Súp), những Rasungbatau (thùng lớn đựng nước) ở Buôn Ma Thuôt, khu mộ cổ thuộc địa phận xã Ea Ktur và xã Cư Ewy (huyện Krông Ana), giếng Chăm ở xã Yang Mao, khu phế tích ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông). Trong đó, tháp Yang Prong được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Sinva. Đây là tháp Chăm cổ duy nhất còn lại ở Tây Nguyên.Thời kỳ hiện đại, chúng ta có hàng chục di tích nổi tiếng như: nhà tù Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao - nơi biểu hiện cho sự hiện diện của nền văn minh lúa nước của cộng đồng người Việt ở Daklak, Đồn điền CADA, Biệt điện Bảo Đại - dấu ấn của triều đại phong kến cuối cùng của Việt Nam, hang đá Dak Tuôr và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.

Buôn Ma Thuột ngày nay

bmt

Thực hiện theo chủ trương, Kết luận số 167-KL/TW ngày 13/6/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đưa vào hoạt động đồng thời cấp tỉnh, cấp xã từ ngày 1/7/2025.

Phường Buôn Ma Thuột được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số của các phường: Thành Công, Tân Tiến, Tân Thành, Tự An, Tân Lợi và xã Cư Êbur của thành phố Buôn Ma Thuột (cũ). Phường Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên gần 72km2.

Phường Buôn Ma Thuột có dân số đông nhất tỉnh Đắk Lắk, với quy mô dân số hơn 169.000 người.

Nhân sự gồm, Khối đảng của phường Buôn Ma Thuột có 24 người; Mặt trận, đoàn thể 11 người và Khối chính quyền: 64 người.

Trên địa bàn Phường Buôn Ma Thuột có 31 trường công lập, 16 trường ngoài công lập và Trung tâm Văn hóa và Truyền thông.

 

Hương Giang
Lấy link copy
In Gửi Email

Bài viết liên quan

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang