Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt
Sáng 11/3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Đại biểu tham dự hội nghị
Tham dự hội nghị có Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương ) Vũ Bá Phú; bà Vanusia Nogueira, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO); đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại sứ, tổng lãnh sự các nước…
Tại tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch Thường thực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 Nguyễn Tuấn Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan cùng 800 đại biểu, khách mời, trong đó có 200 khách mời quốc tế, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) và đối tác thương mại các nước: Anh, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Hàn Quốc,...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng từ lâu đã nổi danh với những vùng cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Với vị trí trung tâm của vùng, Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, từng bước chuyển mình, phấn đấu vươn lên trở thành địa phương phát triển, giàu mạnh, có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc biệt về sản phẩm cà phê đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.
Niên vụ 2023-2024, cả nước xuất khẩu cà phê đạt 1.476.842 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,425 tỷ USD, giảm 11,3% về lượng nhưng tăng gần 33% về giá trị so với niên vụ trước. Riêng tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 22,5%), chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước.
Với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam cũng vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể duy trì đà phát triển trong thời gian tới.
Hiện nay, giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Doanh nghiệp và đối tác bàn bạc đi đến thống nhất ký kết hợp tác phát triển
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến thương mại, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao.
Với sự chủ động, sáng tạo trong cách làm, đổi mới cách thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm kinh tế của khu vực Tây Nguyên. Cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng, uy tín và thương hiệu, có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương ) Vũ Bá Phú phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo của các bộ, ban, ngành cũng như địa phương, các doanh nghiệp cũng đã trình bày ý kiến tham luận, thảo luận về phát triển ngành hàng cà phê như, tình hình xuất khẩu cà-phê niên vụ 2023-2024; thị trường và xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới; nhận định xu thế thị trường và rào cản tiêu dùng cà phê thế giới hiện nay; định hướng thị trường cho ngành hàng cà phê Việt Nam; vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng tầm cà phê Việt và xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - điểm đến cà phê của thế giới.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ thích ứng với quy định của Liên minh châu Âu về các sản phẩm không gây phá rừng đối với ngành hàng cà phê nhằm giúp các vùng trồng cà phê Việt Nam nhanh chóng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phát triển vùng trồng đạt chuẩn quy định EUDR tại Đắk Lắk…
Các doanh nghiệp, đối tác, nhà cung ứng trong và ngoài nước ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển ngành hàng cà phê bền vững
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, đối tác, nhà cung ứng trong và ngoài nước đã ký 18 biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển ngành hàng cà phê bền vững./.