Phường Buôn Ma Thuột: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và kiểm soát bệnh dại trên động vật, hướng tới loại trừ bệnh Dại vào năm 2030.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại, giảm số ca tử vong do bệnh dại, đồng thời kiểm soát bệnh dại trên động vật, hướng tới loại trừ bệnh Dại vào năm 2030. UBND phường Buôn Ma Thuột vừa có Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Ảnh minh hoạ (nguồn Internet)
Theo đó, UBND phường Buôn Ma Thuột yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tăng cường sự chỉ đạo hoạt động phòng chống bệnh Dại ở người và động vật. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong các hoạt động phòng, chống bệnh Dại, có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Môi trường trong công tác phòng, chống bệnh Dại.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh Dại và phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, biện pháp liên quan đến phòng, chống bệnh Dại bằng các hình thức phổ biến, hiện đại, thông tin nhanh chóng đến người dân như trên phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội.
Vận động người dân tự giác chấp hành việc tiêm chủng định kỳ vắc xin phòng Dại cho chó, mèo và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống bệnh Dại ở động vật.
Khuyến cáo những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến ngay các cơ sở Y tế để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam, các biện pháp dân gian khác…
Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại 28/9 hàng năm. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống, tổ chức điều tra, giám sát dịch tễ. Tăng cường công tác giám sát và đáp ứng phòng, chống dịch Dại ở trên người và động vật, tất cả trường hợp bệnh nhân nghi bệnh Dại và các ổ dịch nghi Dại trên động vật đều được điều tra, giám sát. Thông báo diễn biến tình hình ca bệnh Dại phát hiện ở người cho các ban ngành liên quan để có sự phối hợp phòng, chống.
Cụ thể, giao cho Trạm Y tế tăng cường công tác giám sát phòng, chống bệnh Dại, giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó nghi Dại cắn; lập sổ quản lý các trường hợp phơi nhiễm với bệnh Dại để theo dõi, vận động đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại kịp thời;
Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị thực hiện quản lý tổng đàn, công tác tiêm phòng vắc xin, công tác giám sát trên chó, mèo; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo. Tổ chức giám sát, thành lập các đoàn kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, côngtác tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người.
Phòng Văn hóa – Xã hội, Cổng thông tin điện tử thường xuyên đăng tải các thông tin truyền thông về nguy cơ dịch bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh Dại, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh.
Trưởng Thôn, Buôn và Tổ trưởng tổ dân phố tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, mèo; không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại; Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý.