Thứ ba, ngày 15 tháng 07 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 14/11/2022

Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 với Chủ đề: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”

 

Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 từ ngày 10/11/2022 đến ngày 10/12/2022.

(Ảnh minh họa)

Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về Tháng hành động Quốc gia phòng, chống AIDS năm 2022 (từ ngày 10/11/2022 - 10/12/2022).

Với mục tiêu nhằm huy động sự tham gia của các cấp lãnh đạo, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân vùng đồng bào dân tộc ít người.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến mọi người dân.

Theo Kế hoạch, trong Tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực.

1. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương và tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.

Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS; Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc..) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

2. Tổ chức các hội nghị, hội thảo

Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp. Cụ thể như sau:

- Các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về các nội dung:

+ Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này.

+ Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS, trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

+ Tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV.

+ Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về.

+ Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV: Lợi ích sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị. 

+ Điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV): Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị. Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Việt Nam cũng là số ít nước đã chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo sự bền vững không chỉ cho chương trình mà cả bệnh nhân tham gia điều trị.

+ Điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV: Tỷ lệ nhiễm HIV đồng mắc các bệnh như lao, viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang được quan tâm hỗ trợ điều trị góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

+ Các giải pháp vượt qua các thách thức trong đại dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục như: các mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ; vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bao gồm cả các hướng dẫn và triển khai các hướng dẫn để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục, hiệu quả ở giai đoạn hậu COVID-19.

+ Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc và trong trường học.

+ Thông tin, truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ, đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, đặc điểm nhận diện bệnh đậu mùa khỉ, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

+ Thông tin, truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; không phát hiện = không lây truyền (K=K); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.

- Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện; mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, do các tổ chức cộng đồng thực hiện; các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao đã tham gia hoặc vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống.

3. Thực hiện công tác truyền thông

a) Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

- Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm Thành phố khuyến khích các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022.

- Thời điểm tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cần được thực hiện trước hoặc trong ngày mở đầu Tháng Hành động (ngày 10/11/2022).

b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12

- Truyền thông đại chúng:

+ Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn về phòng, chống HIV/AIDS … trên Đài Truyền thanh –Truyền hình Thành phố, hệ thống truyền thanh xã, phường. Tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về nội dung HIV/AIDS... Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết... trên các báo in, báo điện tử của địa phương.

+ Sử dụng các trang thông tin điện tử của hệ thống ngành y tế và các cơ quan đơn vị như là một kênh thông tin chính thức cung cấp tin tức, kiến thức và tài liệu phục vụ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

- Truyền thông qua mạng xã hội:

+ Truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội: Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, Youtube…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip.

+ Tăng cường kết nối các trang mạng xã hội của địa phương với các trang mạng xã hội của Cục Phòng, chống HIV/AIDS như: Fanpage Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam…

- Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện:

+ Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và thôn buôn làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông.

+ Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

- Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, cán bộ truyền thông viết về HIV/AIDS.

- Xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác: Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn, buôn và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS.

4. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác

- Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dự phòng, dịch vụ PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

- Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

- Truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV.

- Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thực hiện các biện pháp truyền thông, phòng, chống lây nhiễm HIV theo hướng dẫn của các cơ quan y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.

- Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. 

- Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng.

- Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc...) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc.

- Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các ngành, các địa phương.

UBND thành phố Buôn Ma Thuột giao cho Thành viên Ban Chỉ đạo chống tội phạm và tệ nạn xã hội Thành phố tăng cường sự chỉ đạo triển khai các hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022; Kiểm tra, giám sát việc triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022; Tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng các hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022.

Trung tâm Y tế Thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động theo đúng sự chỉ đạo của ngành; đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo yêu cầu; chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ nội dung truyền thông đáp ứng tốt các hoạt động truyền thông gồm: các ấn phẩm truyền thông; băng rôn; xây dựng chuyên mục và tin bài tuyên truyền; Chỉ đạo Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã, phường xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 sát tình hình thực tế tại địa phương; Theo dõi, giám sát và báo cáo tổng hợp các hoạt động về UBND Thành phố thông qua phòng Y tế chậm nhất vào ngày 13/12/2022 (mẫu báo cáo kèm theo).

Bệnh viện Đa khoa Thành phố, triển khai và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân có HIV/AIDS;  Tăng cường truyền thông và chuyển các thông điệp cho người nhà của người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phòng lây nhiễm HIV.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử Thành phố, phối hợp với các đơn vị y tế viết bài, đưa tin, tăng thời lượng phát sóng các hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 trên địa bàn Thành phố.

UBND các xã, phường, xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 theo tình hình thực tế tại địa phương; Chỉ đạo Trạm Y tế và các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện và tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 của đơn vị;  Tuyên truyền về các hoạt động triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, phát thanh trên hệ thống loa đài, xe lưu động, các buổi gặp mặt, họp dân. Báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 về UBND thành phố thông qua phòng Y tế chậm nhất vào ngày 13/12/2022.

 

BBT-BMT

Lấy link copy
In Gửi Email

Bài viết liên quan

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang