Buôn Ma Thuột có sản phẩm OCOP đầu tiên đạt chứng nhận 5 sao
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đã bước sang năm thứ 6 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có những tác động tích cực, đậm nét đến sự phát triển kinh tế nông thôn, trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương.
Đến cuối năm 2024, thành phố Buôn Ma Thuột có 50 sản phẩm OCOP bao gồm 6 sản phẩm 4 sao; 43 sản phẩm 3 sao; Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, lợi thế cạnh cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu, lợi nhuận.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật trao chứng nhận và tặng hoa chúc mừng các chủ thể có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
Mới đây nhất vào tháng 1 năm 2025, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Trung Ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cho sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên, duy nhất trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.
Sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường đạt chứng nhận OCOP 5 sao đầu tiên, duy nhất trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.
Sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường Sản được chế biến bằng phương pháp duy nhất nhờ vào các enzym có trong hệ tiêu hóa của con chồn (Cầy vòi hương- Paradoxurus hemaphroditus) mà không bị pha trộn phụ gia hoặc can thiệp bằng bất kỳ một loại hương liệu, hóa dược công nghiệp nào. Khi sử dụng cà phê chồn, khách hàng không chỉ thể hiện đẳng cấp và sự mãn nguyện, mà còn góp phần vào việc nuôi dưỡng, bảo vệ một loài động vật đang ngày bị mai một trong tự nhiên. Tương lai, Kiên Cường sẽ trở thành nhà xuất khẩu cà phê chồn hàng đầu tại Việt Nam nhờ kinh nghiệm chăn nuôi Cầy vòi hương (loài động vật có khả năng cho sản phẩm cà phê chồn) và việc phát triển mạng lưới nông dân tại các tỉnh Tây nguyên Việt Nam.
Ông Hoàng Mạnh Cường, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường cho biết, Công ty sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với sản phẩm cà phê chồn Kiên Cường vừa được công nhận OCOP 5 sao. Đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, để sản phẩm không chỉ người trong nước tin tưởng và thưởng thức mà cả đối với thị trường quốc tế. Từ đó, tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương, cùng chung tay xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của Thế giới.
Các sản phẩm nấm của Công ty Cổ phần thực phẩm xanh Thành Đồng
Là một trong những đơn vị điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP, Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh) đã có 4 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao là: Nấm linh chi, Nấm mèo, Nấm bào ngư, Nấm sò. Ông Đoàn Xuân Trường, Tổng Giám đốc công ty cho biết, tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Để xây dựng vùng nguyên liệu nấm sạch, doanh nghiệp đã đầu tư trang trại nấm với quy mô 6.000m2 dưới mái năng lượng mặt trời tại xã Hòa Khánh. Trang trại được kết hợp với dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại, quy trình nuôi trồng, chăm sóc khoa học và được giám sát bởi đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện doanh nghiệp đang tập trung sản xuất các sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu, cung cấp ra thị trường từ 30 đến 50 tấn nấm tươi/năm và 5 đến 10 tấn nấm khô dược liệu/năm. Đây cũng là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là điểm du lịch Làng nấm Thành Đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết, hiện nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã và đang khuyến khích và có rất nhiều ưu đãi đối với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để xây dựng và phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Song song với đó, thành phố cũng nỗ lực để cùng với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo đầu ra cho sản phẩm như chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức các sự kiện hoặc lồng ghép các sự kiện để giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Từ đó tạo kết nối với người sản xuất sản phẩm OCOP, mở ra các cơ hội hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP mới, thành phố Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo ngành chức năng, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận nhằm phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP cũng được coi là nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới ở thành phố Buôn Ma Thuột thời gian qua. Phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Hậu, Trưởng phòng kinh tế thành phố Buôn Ma Thuột, Thực hiện Quyết định của UBND thành phố Buôn Ma Thuột về phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; hình thành sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, vừa khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, vừa chuyển tải những sản phẩm mang tính nhân văn vùng, miền, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Tham gia chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoàn thiện quy trình sản xuất hiện đại để đáp ứng các tiêu thiện quy trình chí an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến và nâng tầm giá trị sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Các sản phẩm OCOP của Thành phố Buôn Ma Thuột được giới thiệu rộng khắp tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh
Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh. Có thể kể đến như: sản phẩm Bún khô Chi Lăng, Phở khô Chi Lăng của Hợp tác xã bún, miền phở khô Chi Lăng - phường Khánh Xuân đạt OCOP 3; sản phẩm váy truyền thống Ê Đê đạt OCOP 3 sao của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông buôn Tơng Jú - xã Ea Kao. Hay như sản phẩm cà phê cà phê bột rang mộc nguyên chất và cà phê đặc sản của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu đạt Ocoop 4 sao được tạo ra bởi chuỗi liên kết giữa doang nghiêp với bà con trồng cà phê các buôn dân tộc thiểu số ở xã Ea Tu. Cho biết thêm về chương trình này.
Có thể thấy, việc triển khai chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thành phố Buôn Ma Thuột. Chương trình đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện, thành phố Buôn Ma Thuột đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực. Đồng thời, cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước./.